ng Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, ngữ liệu của cuốn sách “Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 - tập 2A” dành cho học sinh theo học mô hình trường học mới được lấy từ chính SGK Tiếng Việt lớp 5 hiện hành.
GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách khẳng định đoạn văn trên là của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và được trích dẫn đúng, không phải do nhóm biên soạn bịa ra.
Chi tiết trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi từng viết một số bài nghiên cứu về văn học dân gian như "Sức sống của nhân dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", "Nguyễn Du và Truyện Kiều", "Thời gian của Thánh Gióng"…
19 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã in những cuốn sách luận về Niestze, Bergson. Năm 1944, khi 20 tuổi, ông viết bài “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, được đánh giá là bài viết "mang tầm vóc lớn".
Đoạn trích có chi tiết “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” mô tả tưởng tượng của Nguyễn Đình Thi khi còn là một cậu bé.
Đoạn trích được các nhà biên soạn sách giáo khoa sử dụng làm ngữ liệu cho tài liệu "Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A", một tài liệu thử nghiệm của mô hình "trường học mới Việt Nam" (Việt Nam Escuela Nueva, viết tắt là VNEN).
Mô hình này bắt đầu được thí điểm từ năm học 2012 2013, từ học sinh lớp 2. Đến năm học này (2014 - 2015) là năm học thứ 3 triển khai thí điểm, và là năm đầu tiên có lứa học sinh lớp 5 theo học.
Năm học 2014-2015, hơn 2.000 trường tiểu học trong cả nước (chiếm 10%) thực hiện dạy học theo mô hình này (trong đó, có gần 1.500 trường học thực hiện theo dự án và hơn 800 trường tự nguyện nhân rộng toàn phần).
Theo mô hình VNEN, sách của học sinh là các tài liệu hướng dẫn học, được viết dưới dạng các hoạt động của học sinh (một mình, cặp đôi, làm việc nhóm,v.v...) và theo các mô-đun/bài/vấn đề/nội dung/kiến thức.
Ông Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng của mô hình giải thích: Theo mô hình truyền thống, học sinh có sách giáo khoa riêng; giáo viên có sách giáo viên riêng; giáo viên giảng giải theo sách. Còn theo mô hình VNEN, tài liệu học tập được dùng chung cho học sinh, giáo viên và phụ huynh (hay còn gọi là tài liệu "3 trong 1").
Khi sử dụng tài liệu, giáo viên gợi mở, hỗ trợ học sinh tìm ra kiến thức. Theo mô hình truyền thống, học sinh chủ yếu ghi nhớ, luyện tập theo mẫu. Còn ở mô hình mới, học sinh học qua trải nghiệm, giao tiếp và phản hồi.
Với cách tiếp cận này, kiến thức cuối cùng của học sinh thu nhận được sẽ thông qua thảo luận nhóm với bạn, cùng sự hướng dẫn của giáo viên và tài liệu học tập.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, nhóm làm việc với các đại diện có liên quan (Vụ Tiểu học, Nhà xuất bản Giáo dục, chủ biên viết sách) đã thảo luận về vấn đề mà các phụ huynh thắc mắc xung quanh ngữ liệu của cuốn sách. Ông Định nói sẽ cân nhắc và lắng nghe các góp ý hợp lý để điều chỉnh trong quá trình thí điểm mô hình.
Theo vietnamnet
0 Comment:
Đăng nhận xét